Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Trẻ bú sữa mẹ giảm nguy cơ nhiễm trùng tai mũi họng

Các nhà nghiên cứu của Đại học Y Texas –Mỹ đã phân tích hồ sơ y tế của 367 trẻ sơ sinh để xem xét ảnh hưởng của sữa mẹ đến nguy cơ mắc các nhiễm trùng tai mũi họng ở trẻ. Các nhà nghiên cứu đã rút ra 3 yếu tố có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đó là : bú sữa mẹ, tiêm chủng và giảm tiếp xúc khói thuốc lá ở trẻ. Theo Tiến sĩ Nhi khoa Tasnee Chonmaitree « Thiếu sữa mẹ dường như là yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm trùng tai ở trẻ ».

tre-bu-sua-me-giam-nguy-co-nhiem-trung-Tai-Mui-Hong

Ngoài ra kéo dài thời gian cho con bú có thể làm giảm đáng kể các trường hợp cảm sốt và nhiễm trùng tai. Trong thập niên trở lại đây cùng với việc tiêm chủng nhằm dự phòng viêm phổi, cúm cùng với việc giảm tiếp xúc khói thuốc lá ở trẻ đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh tai mũi họng ở trẻ em.

Tổ chức Y tế Thế Giới khuyến cáo nên cho con bú sữa mẹ từ lúc sinh ra cho đến 6 tháng tuổi sau đó tiếp tục cho đến ít nhất 2 tuổi, kết hợp thêm các thức ăn bổ sung cho phù hợp bởi vì sữa mẹ là thức ăn lý tưởng cho trẻ. Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và đặc biệt kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy, hai nguyên nhân thường gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới.

Bs Ái Thủy

(theo topsante.com)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách kiểm soát đường huyết trong thai kỳ

Ai dễ mắc đái tháo đường thai kỳ?

Những người có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ là người bị béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, bị rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường thai kỳ trước đó, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử sinh con to, đa ối, có đường trong nước tiểu.

Ngoài ra, những người bị thai lưu nhiều lần, thai dị tật, con to hoặc ở những người có lối sống ít vận động, béo phì, tăng huyết áp cũng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường khi mang thai.

Những nguy cơ có thể xảy ra

Nếu không kiểm soát được đường huyết tốt, bệnh đái tháo đường có thể gây ra các nguy cơ sau: Đối với mẹ có thể gây bệnh lý thận, tiền sản giật, đa ối, bệnh lý tim mạch, sinh khó, nguy cơ phải sinh mổ cao... Đối với con có thể gây sảy thai, thai chết trong bụng mà không rõ lý do, thai nhi của các bà mẹ được kiểm soát đường huyết kém có trọng lượng to so với tuổi thai hoặc ngược lại thai của một số bà mẹ bị đái tháo đường lâu, đã có biến chứng mạch máu thường bị kém phát triển trong tử cung, thai nhi dễ bị ngạt, vàng da nặng, có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh, có thể rất nặng. Các dị tật có thể gặp ở hệ thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo), nhưng phổ biến nhất là các dị tật tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)...

Con của những sản phụ không được kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp do phổi chưa phát triển hoàn chỉnh, bệnh thường nặng và có thể gây tử vong nếu không được điều trị tích cực kịp thời. Ngoài ra trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường huyết trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ, đường huyết có khi thấp dưới 1,7 mmol/l. Nguyên nhân là do tình trạng tăng insulin máu vẫn còn tồn tại sau đẻ. Hạ đường huyết có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật. Một số rối loạn khác là hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da), ăn kém.

Trước những biến cố có thể xảy ra tới sức khoẻ của cả mẹ và con, tất cả các bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai để có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.

Phụ nữ mang thai cần khám thai đầy đủ để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.

Làm thế nào để kiểm soát đường huyết tốt?

Thai phụ bị đái tháo đường cần thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:

Theo dõi đường huyết chặt chẽ: Các bà mẹ cần kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết nhiều lần trong ngày theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, nên ghi lại chỉ số đường huyết, vận động thể lực, chế độ dinh dưỡng vào một cuốn sổ ghi chép hàng ngày giúp theo dõi quá trình điều trị và có biện pháp điều chỉnh thích hợp.

Về ăn uống: Thai phụ nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Ngoài ăn 3 bữa chính cần ăn thêm 1-2 bữa ăn phụ. Thực phẩm chính cần ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa chua, sữa không béo, không đường. Nên ăn thực phẩm ít gây tăng đường như: gạo lức, đậu đỗ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt... Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như thịt nguội, mì gói, chao, đồ hộp... Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: da, lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (gan, tim, thận). Không uống rượu, bia, nước ngọt, cà phê, chè đặc, nước ép trái cây ngọt.

Đi bộ nhẹ nhàng giúp thai phụ kiểm soát tốt đường huyết.

Về vận động: Tập thể dục không những giúp thai phụ chuẩn bị cho cuộc sinh nở sắp tới được thành công, nhanh chóng, nhẹ nhàng, tăng khả năng chịu đựng mà nó còn giúp họ quản lý được cân nặng của mình. Tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trước khi lựa chọn hình thức tập. Tùy thuộc từng cá nhân mà chọn cho mình hình thức vận động hợp lý. Thông thường với thai phụ có thể đi bộ, đây là hoạt động rất tốt cho phụ nữ mang thai. Không nên cố gắng đi bộ khi cơ thể đã mệt mỏi và có thể nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mình muốn. Hỗ trợ tim mạch tốt nhất cho phụ nữ mang thai. Vận động hợp lý giúp hệ cơ bắp săn chắc, tử cung được co bóp nhanh và dễ dàng hơn, đốt cháy calo, kiểm soát tốt trọng lượng của bản thân, giảm nguy cơ táo bón, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ đái tháo đường và tiền sản giật.

Đi bộ nhẹ nhàng hoặc hơi nhanh cần tuân thủ nguyên tắc vừa sức, tránh thở dốc, chọn đoạn đường bằng phẳng. Thông báo cho bác sĩ theo dõi thai kỳ biết về chế độ tập luyện của mình. Giảm thiểu xác suất bệnh tiểu đường thai kỳ, viêm tĩnh mạch chân, tăng huyết áp và bệnh trĩ. Củng cố cơ cột sống giúp hỗ trợ duy trì tư thế cần thiết trong thời gian mang thai. Đối với một số thai phụ biết bơi có thể bơi cũng là một giải pháp tốt nhằm giảm chứng đau lưng, cơ bắp vận động, các mạch máu được nước massage, thúc đẩy máu lưu thông tốt cho mẹ và con, phòng ngừa táo bón, phù chân. Giúp phổi khỏe, hít sâu tốt, điều chỉnh vị trí thai nhi để sinh dễ dàng. Giúp tiêu hao năng lượng thừa, phòng tránh tiền sản giật và đái tháo đường.

ThS. Nguyễn Quang

Nhân xơ tử cung khi nào thì phẫu thuật?

(Thanh Hằng - TP.HCM)

Nhân xơ tử cung là một bệnh lý thường gặp trong phụ khoa, bệnh thường gọi trong dân gian, nhưng thực chất theo các nhà khoa học thì đây là bệnh u cơ trơn của tử cung. Bệnh lành tính, tạo thành các u cục nằm ở những vị trí khác nhau ở tử cung và chiếm một tỉ lệ khá cao ở nữ giới, nhất là giai đoạn bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.

Theo kết quả thống kê của các nhà y học Việt Nam, bệnh thường gặp ở độ tuổi 45 - 50. Ở vào giai đoạn này, kinh nguyệt của người phụ nữ bắt đầu không đều, tháng có tháng không, lúc dài ngày lúc ngắn ngày, có khi có 2 lần ra huyết trong một tháng. Gặp phải tình trạng này, chị em nên đi khám để làm rõ nguyên nhân. Khi được thăm khám, thấy tử cung lớn hơn so với kích thước bình thường, tử cung có khi gồ lên cao hơn, có thể cứng chắc hơn. Quá trình thăm khám chị em thường được chỉ định siêu âm qua ngả bụng hoặc ngả âm đạo, kết quả siêu âm, có thể phát hiện được các khối tạo thành nhân xơ với các vị trí, kích thước, mật độ khác nhau ở tùy từng người, kết quả này khiến chị em lo lắng, thậm chí hoảng sợ. Vậy khi có nhân xơ tử cung ở tuổi tiền mãn kinh, có phải tất cả cần phải mổ cắt bỏ khối đó đi không?

Câu trả lời là không. Cách xử trí khi có nhân xơ tử cung ở tuổi tiền mãn kinh được các nhà sản phụ khoa Việt Nam cũng như trên thế giới thống nhất chung cho các trường hợp nên mổ cắt tử cung hoàn toàn khi có các triệu chứng như: kinh nguyệt ra rất nhiều, thường thay 5, 6 băng vệ sinh trong 24 giờ tức là trong ngày, có thể gây thiếu máu, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng; trường hợp kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày trong nhiều tháng, có điều trị bằng thuốc 3 - 6 tháng không có hiệu quả, làm giảm sức lao động, giảm hoạt động tình dục và phiền phức trong sinh hoạt; mổ khi khối u gây chèn ép, làm cho chị em tiểu khó, tiểu lắt nhắt, gây đau hạ vị hoặc đi cầu nhiều lần, ít phân, táo bón, gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa; các khối nhân xơ có kích cỡ quá lớn > 6cm, tử cung to tương đương với 1 thai ≥ 12 tuần; các khối nhân xơ tuy nhỏ nhưng nằm ở các vị trí dưới niêm mạc, đoạn eo, gây chèn ép niệu quản, tạo thận ứ nước; khối nhân xơ có kèm theo dấu hiệu ung thư nội mạc tử cung qua kết quả giải phẫu bệnh lý; khối nhân xơ tử cung kèm theo các khối u buồng trứng thực thể…

Nếu chưa có các biểu hiện như trên thì sẽ điều trị bảo tồn bằng thuốc như Progestatif với tên biệt dược như Lutenyl, Orfametril, Primolut, Dufaston. Trong tương lai gần, có thể điều trị bằng sóng siêu âm cao tần dưới hướng dẫn siêu âm hay dụng cụ tử cung có chứa progestin. Việc điều trị nội khoa cần theo dõi sau 3 - 6 tháng, các triệu chứng sẽ giảm đi, nếu như sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng sẽ trở lại, đặc biệt về rối loạn kinh nguyệt nặng thêm thì nên chuyển sang điều trị phẫu thuật.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

Mắc bệnh động kinh có nên mang thai?

Hầu hết phụ nữ bị bệnh động kinh có thể có thai và có một em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thai nghén cần phải được theo dõi cẩn thận và dùng thuốc thích hợp, vì bệnh động kinh trong khi mang thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đối với mẹ, do mang thai nên quá trình dùng thuốc để điều trị bệnh cũng hạn chế và có tính lựa chọn nên kiểm soát bệnh tật không hiệu quả bằng người tuân thủ phác đồ uống thuốc kháng động kinh. Đối với con, do mẹ mắc bệnh động kinh nên nguy cơ bị sảy thai, đẻ non cao hơn do những chấn thương vùng bụng trong cơn động kinh và gia tăng tỷ lệ thai chết lưu. Mặt khác, nếu trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh động kinh có nguy cơ bị chậm phát triển trí tuệ và di truyền bệnh động kinh từ mẹ nên trẻ sẽ có các cơn co giật giống động kinh ở tỷ lệ cao gấp 2 lần. Vì vậy, với phụ nữa mắc bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp trước khi mang thai để giảm thiểu rủi ro.

Trước hết, cần điều trị bệnh động kinh trước hai năm bằng cách uống thuốc kháng động kinh được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Khi bệnh tình ổn định, thuốc uống mỗi ngày giảm dần rồi bỏ hẳn mới có kế hoạch thụ thai. Trong quá trình mang thai, ba tháng đầu tuyệt đối không uống bất kỳ thuốc gì để tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Nếu cần thiết các bác sĩ sẽ thận trọng cân nhắc. Những tháng tiếp theo, nếu hiện tượng động kinh xuất hiện thì phải uống thuốc với liều thấp và không uống liên tục để tránh co giật, dẫn đến nguy cơ sinh non. Theo kinh nghiệm, trong quá trình phụ nữ mang thai, nhiều người bệnh động kinh ít tái phát bệnh.

Nếu mắc bệnh động kinh thì thai phụ cần chủ động đi khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh trước khi mang thai và khi đã có thai giúp kiểm soát lượng thuốc và loại thuốc cần thiết khi thai nhi phát triển.

Ngoài ra, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, tránh thuốc lá, rượu, cà phê, trà đặc và thuốc gây nghiện trong quá trình mang thai. Do thể trạng mắc bệnh sức khỏe không tốt nên người mẹ cần tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại có trong môi trường như thuốc trừ sâu, sơn... Tất cả những chất độc hại này đều được xác nhận gây ra các vấn đề khi mang thai và ảnh hưởng xấu đến bào thai.

Trong khi đang mang thai, thai phụ cố gắng giảm căng thẳng (stress), tránh có những cảm xúc mạnh. Nghỉ ngơi và ngủ nhiều, đồng thời tham gia các bài tập thể dục như đi bộ mỗi ngày, làm việc nhẹ nhàng. Nếu căng thẳng quá mức cần đến cơ sở y tế để được tư vấn thêm về các kỹ thuật thư giãn.

Tuân thủ tuyệt đối quá trình điều trịĐối với người mắc bệnh động kinh nếu quyết định mang thai cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ dùng thuốc trong quá trình thai nghén và báo lại những cơn co giật cho bác sĩ để tiến hành các đo đạc giảm thiểu co giật. Không tự ý sử dụng thuốc kể cả thuốc đông y tránh tác dụng phụ của thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.Trong khi mang thai, bệnh nhân cần đến khám thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp và kiểm tra định kỳ cho thai nhi.

Bác sĩ Hữu Thông

Nguy hiểm khi vỡ ối sớm

Vợ tôi mang thai được 7 tháng. Tôi nghe nói có nhiều trường hợp bị vỡ ối non nên rất lo lắng. Vậy xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và yếu tố nào gây nên tình trạng vỡ ối non?

Văn Hùng (An Giang)

Ối vỡ non là một biến cố trong quá trình thai kỳ, là mối lo lắng của các bà mẹ khi mang thai. Ối vỡ non dẫn đến sinh non và gây ra hàng loạt các biến chứng cho thai nhi như: nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn bào thai, hội chứng suy hô hấp, xuất huyết não thất, xuất huyết giảm tiểu cầu, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn huyết và bất thường chức năng vận động, thần kinh.

Hiện nay, một số các yếu tố nguy cơ gây ra ối vỡ non đã có những bằng chứng xác thực. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, lậu, Herpes sinh dục... và các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục dưới như viêm âm đạo do vi khuẩn, do nấm, do Trichomonas, viêm cổ tử cung... là thủ phạm đóng vai trò trong vỡ ối non. Ngoài ra còn có các nguyên nhân làm ối vỡ non như: ngôi thai bất thường, ngôi ngang, ngôi mông, nhau tiền đạo, đa ối, đa thai, khung chậu hẹp... Người mẹ trong lúc mang thai mà hút thuốc lá gây ối vỡ non cao gấp đôi ở những người không hút thuốc lá trong thai kỳ. Cơ địa cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, thể trạng suy dinh dưỡng ăn uống kém, có tiền căn ối vỡ non cũng là những nguyên nhân gây vỡ ối non.

Dự phòng ối vỡ non bằng cách điều trị dứt điểm các nhiễm khuẩn như đã nói trên. Khâu eo tử cung khi bị hở eo tử cung. Không hút thuốc lá. Dinh dưỡng trong lúc mang thai cũng cần được chú trọng.

BS. Nguyễn Hữu

Nguy cơ nếu không chữa u nang buồng trứng

Phạm Thị Anh Thư (anhthu1288@gmail.com)

u nang buồng trứng

U nang buồng trứng thường chỉ được phát hiện khi đi khám phụ khoa, siêu âm một số bệnh khác hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng: rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, rong huyết, đau bụng... Một số trường hợp mới đầu là u lành tính, nhưng nếu được phát hiện muộn hoặc không tiến hành chữa trị kịp thời có thể dẫn đến u ác tính (tuy ít). Thỉnh thoảng gặp một số trường hợp gọi là u quái buồng trứng (những khối u này khi xẻ ra, bên trong có cả tóc, sụn, xương)... Biến chứng thường gặp của u nang buồng trứng là: xoắn cuống khối u (gây đau bụng dữ dội); vỡ u (ngoài đau bụng, còn gây xuất huyết trong); chèn ép các cơ quan lân cận như đường tiêu hóa (gây rối loạn tiêu hóa), đường tiết niệu, bàng quang (gây khó tiểu, bí tiểu)...; hoặc hóa thành u ác tính... Có rất nhiều cách để chữa u nang buồng trứng, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào kích thước, các dạng nang, lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của phụ nữ, cũng như các biểu hiện nghiêm trọng của u nang buồng trứng. Em nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ đã thăm khám cho mình, đừng bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm nếu muốn mang thai.

BS. Kim Oanh

Hơn 2.400 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung mỗi năm

Ngày 10/11, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo phổ biến kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC tại Việt Nam giai đoạn 2016-2025.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: Với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2015. Kế hoạch hành động đưa ra những phương hướng, giải pháp và hoạt động chính để thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời UTCTC tại Việt Nam.

Tử vong do ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi do biến chứng thai sản

UTCTC vẫn là mối quan tâm sức khỏe cộng đồng và tiếp tục đe dọa cuộc sống và sức khỏe của phụ nữ. Trên toàn thế giới, UTCTC là loại ung thư đứng thứ 3 trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Trong năm 2012, khoảng 275.000 phụ nữ chết vì UTCTC và hơn 85% các trường hợp tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, nơi mà phụ nữ thường không được tiếp cận tầm soát và điều trị UTCTC.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do UTCTC dự kiến sẽ tăng lên 443.000 trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi con số dự đoán tử vong do các biến chứng liên quan đến thai sản.

Tử vong do UTCTC gây ra các chi phí kinh tế đáng kể và ảnh hưởng nặng nề tới nguồn lực của các hộ gia đình. Các chi phí toàn cầu liên quan tới UTCTC dự kiến sẽ tăng từ 2,7 tỉ đô la Mỹ (2010) lên 4,7 tỉ đô la Mỹ (2030).

UTCTC là loại ung thư đứng thứ 3 trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Ngô Văn Toàn, ĐH Y Hà Nội, tại Việt Nam, UTCTC là một trong những nguyên nhân gây tử vong do ung thư thường gặp nhất. Đây là loại ung thư được xếp thứ 4 trong các loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và đứng hàng thứ 2 trong các loại ung thư sinh dục ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Năm 2012, ở Việt Nam có gần 6.200 phụ nữ được chẩn đoán mắc mới UTCTC và đã có trên 2.400 phụ nữ tử vong vì UTCTC. Một nghiên cứu được thực hiện ở phụ nữ từ 35-60 tuổi tại 7 tỉnh thành phố tại Việt Nam từ năm 2008-2010 cho thấy, tỉ lệ mắc UTCTC tại thời điểm đó là 19,9 trường hợp trên 100.000 phụ nữ.

Nên tiêm HPV cho trẻ em gái từ 9-13 tuổi phòng ngừa UTCTC

Các chuyên gia cho biết, ứng phó quốc gia toàn diện với UTCTC bao gồm dự phòng, sàng lọc và điều trị. Vắc xin HPV là yếu tố quan trọng trong công tác UTCTC. Các bằng chứng cho thấy phần lớn UTCTC có thể phòng ngừa một cách triệt để và việc tiêm chủng phòng HPV cho trẻ em gái ở độ tuổi 12 tuổi sẽ giúp ngăn ngừa 690.000 ca nhiễm UTCTC và ngăn ngừa được 420.000 ca tử vong trên toàn thế giới. WHO khuyến cáo chú trọng vào việc tiêm vắc xin HPV cho các em gái từ 9-13 tuổi.

WHO khuyến cáo chú trọng vào việc tiêm vắc xin HPV cho các em gái từ 9-13 tuổi. Ảnh minh họa.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời UTCTC đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu mạng sống của người phụ nữ và cải thiện sức khỏe của họ một cách toàn diện. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm UTCTC còn có những quan hệ tích cực tới việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới. Thông thường, UTCTC thường xuất hiện ở phụ nữ tại lứa tuổi tương đối trẻ và tỉ lệ tử vong tăng dần khi phụ nữ bước vào lứa tuổi 40.

"Tử vong ở độ tuổi này khiến người phụ nữ mất đi nhiều năm tháng trong cuộc đời, đồng thời gây ra những tổn thất nặng nề cho gia đình, cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế. Rất nhiều người trong số những phụ nữ tử vong do căn bệnh này là những người có vai trò trụ cột trong gia đình hoặc là những người có trách nhiệm trông nom chăm sóc người khác. Vì thế khi họ không còn nữa, gia đình của họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về tài chính và tình cảm. Thu nhập trong gia đình giảm sẽ khiến trẻ em, nhất là trẻ em gái phải bỏ học để phụ giúp gia đình, điều này tạo ra vòng đói nghèo và sự bất bình đẳng dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác"- bà Astrid Bant nói.

Tất cả phụ nữ đều có quyền được sàng lọc UTCTC. UNFPA và các đối tác phát triển cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xây dựng các chính sách và luật pháp trong đó tôn trọng và đảm bảo quyền cho mọi người dân.

Dương Hải

Trẻ bú sữa mẹ giảm nguy cơ nhiễm trùng tai mũi họng

Các nhà nghiên cứu của Đại học Y Texas –Mỹ đã phân tích hồ sơ y tế của 367 trẻ sơ sinh để xem xét ảnh hưởng của sữa mẹ đến nguy cơ mắc các n...